Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19
Lượt xem: 199

Sáng 27/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, lấy ý kiến dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Thị Hồng Lan, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì tại điểm cầu Trung ương. 

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Trọng Thụ

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành gồm: Y tế, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các chuyên viên liên quan. Đồng chí Lê Hải Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở nội dung của nghị quyết, Chính phủ đã thực hiện chủ động điều hành ngân sách nhà nước và giải pháp tiết kiệm chi để bổ sung nguồn phòng, chống dịch theo quy định. Nhiều giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch theo quy định tại mục 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã được Chính phủ triển khai thực hiện có hiệu quả góp phần kiểm soát dịch bệnh. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng, chống dịch được triển khai quyết liệt, nghiêm túc. Nhờ triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 nên Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch bệnh; Chính phủ đã chủ động, sáng tạo áp dụng linh hoạt, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định, đặc biệt là thực hiện thành công chiến lược vắc-xin và chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch kịp thời, đúng đắn tại những thời điểm quyết định.

Cùng với cả nước, Cao Bằng đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tại địa phương, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Năm 2021 nhiều địa phương trong cả nước đã bùng phát dịch bệnh, Cao Bằng vẫn giữ vững vùng xanh an toàn cho đến ngày 05/11/2021, Cao Bằng mới có ca dương tính đầu tiên tại xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm là công dân lao động trở về từ tỉnh Bắc Ninh. Đến hết ngày 25/9/2022, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 97.507 trường hợp mắc COVID-19; có 97.034trường hợp được công bố khỏi bệnh61 bệnh nhân tử vong.

Công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đến hết ngày 25/8/2022, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm 92,2%; tiêm mũi 3 là 61,6%; mũi 4 là 102,3%; Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin chiếm 96,8%, tiêm mũi 3 chiếm 39,7%; Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin 85,1%; tiêm mũi 2 chiếm 57%.

Tại Hội nghị, các địa phương đồng tình cao với dự thảo báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội. Đồng thời kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách trong nghị quyết, nhất là tiếp tục thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc ổn định trên thị trường, bảo đảm có đủ thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Chuyển tiếp áp dụng đối với một số chính sách về khám, chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế được cấp phép nhập khẩu, đăng ký lưu hành theo cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách; tiếp tục cho phép Chính phủ, các địa phương áp dụng các biện pháp linh hoạt, kịp thời trong phòng, chống dịch COVID-19 để phù hợp với tình hình dịch bệnh trong từng thời điểm…

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nên Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành, triển khai, vận dụng, trong đó có Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội để tạo cơ sở pháp lý giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.

Phó Thủ tướng đề nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 để báo cáo với Quốc hội, trong đó, cần làm rõ thêm các khó khăn, vướng mắc về thể chế. Bộ Y tế nghiên cứu để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội kéo dài thêm thời gian thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30/2021/QH15, nhất là liên quan đến mua sắm thuốc men, vật tư y tế để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Các địa phương tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt trong công tác tiêm phòng vắc-xin; chính quyền các địa phương phải vào cuộc tháo gỡ khó khăn về thuốc, vật tư y tế tại các cơ sơ y tế của địa phương mình.

Mai Hoa

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang