Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hãy chung tay xây dựng “Nhà tiêu sạch – cộng đồng vui” vì làng quê sạch đẹp
Lượt xem: 3459
Ô nhiễm môi trường do phân người nói riêng và chất thải trong quá trình sống của con người nói chung đang là vấn đề được cả cộng đồng thế giới quan tâm. Tình trạng quản lý phân người không tốt với việc sử dụng các loại nhà tiêu không hợp vệ sinh đã dẫn đến ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và làm phát sinh, lây lan nhiều loại bệnh tật trong cộng đồng. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không hợp vệ sinh tại các hộ gia đình là nguyên nhân chính gây ra các dịch bệnh đường tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn và nhiễm các loại giun, sán đường ruột…

Hãy chung tay xây dựng: “Nhà tiêu sạch – cộng đồng vui” vì làng quê sạch đẹp. Ảnh: Thu Lê

Phân người chứa trên 50 loại vi sinh vật gây bệnh, phân cung cấp thức ăn và là nơi sinh sản của ruồi, nhặng - véc tơ truyền bệnh đường tiêu hóa. Mầm bệnh từ phân người do không được quản lý và xử lý tốt trong quá trình thu gom, vận chuyển và sử dụng đã phát tán và làm ô nhiễm ra môi trường đất và nước. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi sinh vật và các ký sinh trùng sinh sôi nảy nở và gây thành dịch bệnh cho con người. Đặc biệt các tác nhân gây bệnh này có thể sống rất lâu trong đất và nước phát tán theo các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Nếu nguồn nước ăn uống bị ô nhiễm sẽ trở thành nguyên nhân gây dịch bệnh.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, có ít nhất 2 tỷ người đang phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo an toàn, thậm chí bị ô nhiễm bởi các chất thải. Mỗi ngày, hơn 700 trẻ em dưới 5 tuổi bị tử vong do bệnh tiêu chảy liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo và kém vệ sinh. Theo Bộ Y tế, có khoảng 4,2 tỷ người sống mà không được sử dụng điều kiện vệ sinh an toàn, 673 triệu người vẫn đang phải sử dụng những nhà vệ sinh thô sơ và 3 tỉ người thiếu các thiết bị sinh hoạt cơ bản. Cuộc khủng hoảng vệ sinh này có nghĩa là chất thải của con người không được xử lý đang là nguy cơ lây lan dịch bệnh vào nguồn nước và chuỗi thức ăn của hàng tỷ người. Theo tính toán, vệ sinh không an toàn sẽ gây ra 432.000 ca tử vong vì bệnh tiêu chảy mỗi năm.

Để hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc bệnh, dịch lây truyền theo đường phân - miệng cần quản lý tốt nguồn phân người thông qua việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhà vệ sinh an toàn cũng là nhân tố thúc đẩy các cải thiện về bình đẳng giới, giáo dục, kinh tế và môi trường, việc đảm bảo có điều kiện vệ sinh an toàn, nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn giúp bảo đảm bảo sức khỏe, an toàn của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt và mang thai.

Tại tỉnh Cao Bằng, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng thế giới giai đoạn 2015-2021 đã hỗ trợ trên 2.900 hộ gia đình xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần thực hiện Chỉ tiêu 17 trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thông qua các sự kiện truyền thông trực tiếp tại thôn, xóm, hộ gia đình; truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng đã nâng cao nhận thức, kiến thức và thay đổi thói quen của người dân về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay toàn tỉnh Cao Bằng đã có 71,2% hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tuy nhiên còn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh giữa các vùng miền. Nhiều huyện có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình đạt thấp dưới 50%; tỷ lệ phóng uế bừa bãi vẫn ở mức gần 2% trên toàn tỉnh. Vẫn còn nhiều trường học, bệnh viện, cơ quan; điểm tham quan du lịch, bến xe; nơi công cộng còn thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đạt chuẩn.

Để hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ mắc bệnh, dịch lây truyền theo đường phân - miệng và bảo vệ sức khỏe chúng ta cần:

- Quản lý tốt nguồn phân người thông qua việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Mỗi hộ gia đình cần xây dựng, sử dụng và bảo quản đúng cách nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt phóng uế bừa bãi nhằm bảo vệ sức khoẻ của gia đình và cộng đồng.

- Không vứt rác bừa bãi, không xả chất thải trực tiếp vào nguồn nước sạch, không dùng phân tươi làm phân bón.

- Thực hành thói quen vệ sinh đúng cho cả gia đình: Xả nước sau khi đi vệ sinh, rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, thường xuyên lau chùi vệ sinh nhà tiêu sạch sẽ.

Nhà tiêu hợp vệ sinh có thể giúp gia đình, cộng đồng phòng tránh vi sinh vật có khả năng gây bệnh nguy hiểm lây lan tại khu vực sinh hoạt, giảm được bệnh tật có liên quan và chi phí chữa bệnh; giúp môi trường sống an toàn và sạch sẽ, nâng cao sức khỏe thể chất và trí tuệ của trẻ em.

Hãy chung tay xây dựng: “Nhà tiêu sạch – cộng đồng vui” vì làng quê sạch đẹp, tiến tới mục tiêu phát triển bền vững “Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030”.

Hoàng Đoan

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang