Họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh
Lượt xem: 500

Sáng 08/02/2023, Ban Chỉ đạo (BCĐ) chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng họp đánh giá kết quả triển khai chuyển đổi số (CĐS) năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp.

 Tham dự có thành viên BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ CĐS tỉnh; đại diện lãnh đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Viettel và VNPT Cao Bằng.

Các đại biểu dự cuộc họp

Năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện CĐS. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 1.462 tổ công nghệ số cộng đồng với 6.502 thành viên. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành đạt 100%; tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. Hệ thống được kết nối thông suốt với Trục liên thông văn bản quốc gia. Ứng dụng dụng một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương. Triển khai tích hợp 2.650 chứng thư số chuyên dùng lên Phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai kết nối 04 cấp. 47,13% hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng cáp quang; 61,82% Số thuê bao băng rộng di động có phát sinh lưu lượng; 1403 doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 83,2% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; 13.545 lượt giao dịch, 29.797 hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.

Hệ thống giám sát an toàn thông tin tỉnh Cao Bằng được triển khai để giám sát, phát hiện và cảnh báo sớm, kịp thời các nguy cơ tấn công mạng cho 1.200 máy tính tại các cơ quan, đơn vị, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia… Hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ, phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ, thẩm định, phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho 08 hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh gồm: Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống phần mềm Một cửa điện tử liên thông và Cổng Dịch vụ công tỉnh; Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh; Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh; Trung tâm dữ liệu tỉnh, Hệ thống Cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc tỉnh Cao Bằng.

Tuy nhiên việc triển khai CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: Chưa thu hút được các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển vào chuyển đổi số do thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động còn nhỏ hẹp; trình độ nhận thức của người dân về công nghệ thông tin, CĐS còn hạn chế; nguồn nhân lực về CĐS  đặc biệt là nhân lực về An toàn thông tin phục vụ phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, CĐS còn thiếu; các trang thiết bị, công cụ, phần mềm có bản quyền đặc thù về phân tích, giám sát, điều tra An toàn thông tin phục vụ chưa đầy đủ để bảo đảm An toàn thông tin cho Trung tâm dữ liệu tỉnh, các hệ thống quan trọng của tỉnh và các đơn vị, cơ quan nhà nước trên địa bàn…

Giám đốc Sở Y tế phát biểu thảo luận tại cuộc họp

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện công tác CĐS của tỉnh trong năm qua, đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, CĐS với các trọng tâm là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là một xu hướng tất yếu đồng thời là một chủ trương lớn cần được đẩy mạnh triển khai. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, các thành viên BCĐ, thành viên Tổ giúp việc BCĐ bám sát chủ đề CĐS số năm 2023 là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới", trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các sở, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ  về CĐS trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông: Tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên bám sát định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông về CĐS; tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, BCĐ CĐS thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh. Rà soát, kiện toàn toàn lại BCĐ CĐS cấp huyện, tỉnh. Tiếp tục phối hợp với các Sở, Ban ngành, địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông quán triệt sâu rộng, tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về vị trí, vai trò của CĐS nhằm chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức, hành động của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, người dân trong tiến trình CĐS. Tiếp thu các ý kiến của các thành viên BCĐ, khẩn trương rà soát, hoàn thiện Kế hoạch CĐS năm 2023. Kế hoạch cần xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình, nguồn lực thực hiện CĐS trong năm 2023.

Phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; Phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các thôn, bản trên địa bàn tỉnh, xóa các vùng trắng, vùng lõm về sóng di động. Lãnh đạo các Sở, Ban ngành quan tâm chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý với quyết tâm cao, quyết liệt, hiệu quả; chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông trong triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số trên phạm vi toàn tỉnh…

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1