Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bệnh sốt xuất huyết và cách phòng tránh
Lượt xem: 1033
Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp, tại Việt Nam tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay đã ghi nhận trên 314.400 trường hợp mắc, 115 trường hợp tử vong. Mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.

Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch lớn với nhiều người mắc, gây ảnh hưởng lớn về kinh tế - xã hội. Những trường hợp bệnh nặng có thể gây tử vong, đặc biệt là với trẻ em. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Đến nay , bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Đáng chú ý, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết

Sau khi bị muỗi truyền vi rút 3-6 ngày, người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện khác nhau theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1: Nhiễm vi rút huyết, thường kéo dài 2-5 ngày. Bệnh nhân sốt cao liên tục, đau đầu, đau mỏi người, đau nhức vùng hốc mắt, có thể đau họng, buồn nôn hoặc tiêu chảy. Các biểu hiện này không đặc hiệu và cũng tương tự như các sốt vi rút khác. Người bệnh có thể chỉ cần uống thuốc hạ sốt, uống dung dịch oresol tăng cường ăn hoa quả, bổ xung vitamin và có thể điều trị theo đơn tại nhà.

Nếu mới nhiễm vi rút Dengue lần đầu bệnh tự khỏi sẽ sau 7-8 ngày. Nếu người bệnh tái nhiễm vi rút Dengue type khác, bệnh sẽ diến biến nặng thành sốt xuất huyết với các giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2: Tăng thấm thành mạch và giảm tiểu cầu kéo dài 2-3 ngày. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh. Người bệnh nên điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân đỡ sốt nhưng có tình trạng giảm tiểu cầu trong máu và tăng tính thấm thành mạch gây thoát dịch và cô đặc máu. Người bệnh có thể xuất hiện các nốt chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường. Nếu tiểu cầu hạ quá nhiều có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt. Nếu thoát dịch và cô đặc máu nhiều có thể dẫn đến sốc Dengue rất nguy hiểm. Tùy thuộc tình trạng thoát dịch, hạ tiểu cầu nhiều hay ít mà thầy thuốc quyết định việc bệnh nhân có cần truyền dịch, truyền máu hay không.

Giai đoạn 3: Tái hấp thu dịch và hồi phục tiểu cầu. Sau khi thoát dịch 24 – 48 giờ, cơ thể sẽ tái hấp thu dịch lại. Giai đoạn này không nên truyền dịch vì có thể gây quá tải dịch. Trong giai đoạn này tiểu cầu bệnh nhân bắt đầu hồi phục dần.

Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt do vi rút khác

Trong giai đoạn nhiễm vi rút huyết, biểu hiện của sốt xuất huyết không khác nhiều so với các bệnh sốt vi rút khác. Trong mùa dịch sốt xuất huyết nếu xuất hiện sốt, đau đầu nhiều, người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu diễn biến nặng.

Những điểm gì cần lưu ý đặc biệt khi bị mắc sốt xuất huyết

Các biến chứng nặng của sốt xuất huyết thưng xảy ra ở giai đoạn 2. Mặc dù lúc này bệnh nhân đã đỡ sốt nhưng vẫn không được chủ quan mà cần đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm máu hàng ngày. Nếu người bệnh có các dấu hiệu đe dọa: Mệt lả, nôn hoặc buồn nôn liên tục, bứt rứt vật vã, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc kinh nguyệt kéo dài, ở trẻ nhỏ có thể có li bì, bỏ bú, đái ít tay chân lạnh cần phải đưa ngay đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Cách phòng bệnh Sốt xuất huyết:

1. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá hoặc Mê zô (Mesocyclops một tác nhân sinh học) vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thường xuyên cọ rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

2. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

3. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không được tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sỹ.

Vì sức khỏe của mỗi gia đình và của cả cộng đồng. Mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh Sốt xuất huyết với khẩu hiệu: “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có Sốt xuất huyết”.

Bảo An

 

 

 

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang