Thông tin mới nhất






 
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Những hoạt động trọng tâm và kết quả nổi bật của ngành Y tế năm 2021
Lượt xem: 1345
Năm 2021 là năm thứ 2 liên tiếp, nước ta nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng đều phải nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt chống lại sự tàn phá chưa từng có trong lịch sử của đại dịch COVID-19 với những biến thể mới, lây lan nhanh, mạnh, diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Trung Đoàn 852, xã Ngũ Lão, huyện Hoà An. (Ngọc Anh)

 

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Sở Y tế đã chủ động đề xuất, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tại địa phương, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Ban hành các kế hoạch, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế huy động tối đa nguồn nhân lực, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những điểm có người về từ các địa bàn trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4 để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp.

Từ ngày 04/02/2020 đến hết ngày 28/02/2022, tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận trên 31.700 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về qua biên giới tỉnh Cao Bằng để thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung (trong đó chỉ có 2.161 công dân là người Cao Bằng, chiếm 6,83%) và tiếp nhận cách ly 438 người nước ngoài, trong đó có 370 người vượt biên trái phép. Tỉnh Cao Bằng đã lấy 396.481 mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 152.153 mẫu và 244.328 mẫu xét nghiệm test nhanh.

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-Cov-2 tại Khu cách ly tập trung Trung đoàn 852.

 

Không chỉ triển khai công tác phòng, chống dịch có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn khó khăn cấp bách, ngành Y tế Cao Bằng còn tham mưu UBND tỉnh thành lập 3 đoàn nhân lực y tế với 98 công chức, viên chức y tế mang theo 30 tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ Thành  phố Hồ Chi Minh phòng, chống dịch, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao.

Thực hiện Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 2803 ngày 15/10/2021, cho phép duy trì các hoạt động bình thường trên địa bàn tỉnh, yêu cầu thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K và các biện pháp kiểm soát dịch linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện các biện pháp chuyên môn trong phòng, chống dịch COVID-19 để quản lý, kiểm soát đối với người Cao Bằng trở về từ các tỉnh, thành phố hoặc các trường hợp từ các tỉnh, thành phố vào Cao Bằng. Tham mưu tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan, không lơ là; đảm bảo phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các cơ sở y tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh COVID-19 thay đổi. Tiếp tục củng cố hệ thống y tế cơ sở, bố trí phương tiện trang thiết bị, ô xy, nhân lực... để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Hai năm vừa qua, khi đại dịch COVID-19 lan rộng, các nước trên thế giới đã nhanh chóng điều chế, sản xuất các loại vắc xin phòng COVID -19 để khống chế dịch bệnh nguy hiểm này. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đã trở thành yêu cầu cấp bách đối với mọi quốc gia.

Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 khá sớm và phát huy hiệu quả rõ rệt. Trước diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch bệnh COVID-19, Đảng và nhà nước ta chủ trương thực hiện nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, trong đó tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu.

Tại Cao Bằng, từ tháng 4/2021 bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Việc tổ chức tiêm chủng vắc xin được thông báo rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại các cơ sở y tế, các xã, phường, thôn bản, khu dân cư. Việc tổ chức tiêm chủng được tiến hành tại nhiều nơi như Bệnh viện, Trung tâm Y tế, Trạm Y tế, trụ sở UBND xã, phường, nhà văn hóa, khu dân cư… Đội ngũ viên chức y tế sẵn sàng đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa với tinh thần trách nhiệm cao và thái độ phục vụ tận tình không kể giờ giấc với quy trình kiểm tra chặt chẽ, thủ tục đơn giản thuận tiện nhanh chóng.

Để đạt mục tiêu trong Quý I/2022 hoàn thành việc tiêm mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cao Bằng và ngành Y tế giao nhiệm vụ chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, đặc biệt là Ủy ban nhân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tăng cường quản lý theo dõi sát sao tình hình biến động dân cư, phân loại đối tượng và những người chưa tiêm vắc xin để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Sở Y tế cũng đã tổ chức các đoàn công tác đến từng huyện, đặc biệt những huyện có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp để trực tiếp trao đổi, thảo luận với chính quyền địa phương, tìm hiểu những những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tiêm chủng để tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân.

Đồng thời toàn tỉnh đã thành lập 36 tổ tiêm chủng lưu động và tổ chức 265 đợt tiêm chủng lưu động, tại nhà cho gần 62.000 người.

Đến hết ngày 28/02/2022, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin chiếm 97,4%; tiêm mũi 2 chiếm 89,8%; tiêm mũi 3 liều nhắc lại 42,11%. 100% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm 1 mũi vắc xin, tiêm mũi 2 chiếm 89,66%

Trải qua 4 làn sóng dịch, đến ngày 05/11/2021, tỉnh Cao Bằng ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên xuất hiện tại xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm là công dân lao động trở về từ tỉnh Bắc Ninh. Sau đó tiếp tục xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trong cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh. Tính đến 17h00, ngày 28/02/2022, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 12.195 trường hợp dương tính với SARS-COV-2, trong đó có 11.856 trường hợp mắc được ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh, 339 trường hợp mắc được ghi nhận đi từ các tỉnh phía Nam và các tỉnh, thành có dịch trong nước trở về tỉnh Cao Bằng. Có 4.827 người đã khỏi bệnh, 19 người tử vong (người cao tuổi, mắc bệnh lý nền).

Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi khác đều được giám sát chặt chẽ và khống chế kịp thời; không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn. Trong năm 2021, không ghi nhận các dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh nguy hiểm tại địa phương như: Cúm A (H7N9), cúm A (H5N1), bệnh do vi rút Zika, Sốt xuất huyết, Viêm màng não do não mô cầu. Một số bệnh truyền nhiễm gây dịch có xu hướng giảm so với năm trước và không có ca tử vong...

Các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, An toàn vệ sinh thực phẩm được triển khai thực hiện có hiệu quả. 100% xã, ph­ường, thôn, bản thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng; với 95% số trẻ em d­ưới 1 tuổi đư­ợc tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin; 90% trẻ từ 1-5 tuổi được tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản; 92,5% phụ nữ có thai đ­ược tiêm đầy đủ vắc xin phòng uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được uống bổ sung Vitamin A liều cao đạt 99,1%; tỷ lệ bà mẹ sau đẻ trong vòng 1 tháng được uống Vitamin A đạt 92,1%; tỷ lệ trẻ 24 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun đạt 99,2%. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 kỳ thai nghén đạt 86,6%; tỷ lệ phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đỡ đạt 88%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) giảm xuống còn 16,5%.

Các hoạt động phòng chống lao đã đem lại những hiệu quả tích cực, số bệnh nhân lao các thể phát hiện trong năm là 280, giảm 05 bệnh nhân so với năm 2020;

Duy trì công tác phát hiện và quản lý điều trị người bệnh tâm thần, phòng, chống bệnh động kinh tại 161 xã, phường, thị trấn. Quản lý, điều trị và phục hồi chức năng tại cộng đồng cho 1.150 bệnh nhân tâm thần và 558 bệnh nhân động kinh;

Tiếp tục triển khai Mô hình quản lý điều trị bệnh nhân tăng huyết áp theo nguyên ký y học gia đình tại 151 Trạm Y tế xã. Kết quả có 14.857 bệnh nhân được làm bệnh án theo dõi điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại tuyến xã.

Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã chủ động tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, qua đó đã phát hiện mới 55 người nhiễm HIV.

Duy trì điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho 1.588 người tại 14 cơ sở. 100% cơ sở điều trị tuyến huyện thực hiện khám, chữa bệnh HIV/AIDS qua Bảo hiểm y tế, 260 bệnh nhân tham gia điều trị ARV được hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế từ nguồn ngân sách địa phương.

Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đi vào nề nếp, đã làm giảm áp lực gia tăng gánh nặng cho mỗi gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội. Tổng tỷ suất sinh (số con/phụ nữ): 2,33 con; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm xuống còn 0,87‰. Tiếp tục duy trì các hoạt động sàng lọc trước sinh và lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh tại 10 huyện, thành phố theo cả hình thức miễn phí và xã hội hóa.

Công tác An toàn thực phẩm luôn được ngành quan tâm chỉ đạo sát sao, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành VSATTP tại 3.418 cơ sở chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể các trường học, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19..., trong đó 2.835 cơ sở được kiểm tra đạt điều kiện vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ: 82,9%. 583 cơ sở chưa đạt vệ sinh ATTP, chiếm tỷ lệ 17,1%. Xây dựng và thực hiện mô hình điểm “Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể” tại 29 trường/điểm trường mầm non trên địa bàn huyện Hoà An. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 02 vụ ngộ độc thực phẩm làm 29 người mắc trong đó 02 người tử vong (01 vụ xảy ra tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, 01 vụ xảy ra tại xã Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc) giảm 5,3% so với năm 2020.

Năm 2021, toàn ngành đã khám, chữa bệnh cho trên 639.380 lượt người, trong đó điều trị nội trú cho trên 76.100 lượt bệnh nhân, đạt 98,4% kế hoạch, điều trị ngoại trú cho trên 24.300 lượt bệnh nhân, đạt 232,3 kế hoạch (tăng 10.537 lượt so với cùng kỳ năm 2020).

Một ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm.

 

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch COVID-19 phục vụ bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Cao Bằng.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong Đợt Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh Cao Bằng năm 2021”, góp phần vào thành công chung của Đợt Diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh Cao Bằng năm 2021” diễn ra 5 năm 1 lần.

Đi đôi với các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó tập trung Truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19, tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác.

Năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp với những biến thể mới có khả năng lây lan nhanh, mạnh và khó lường. Ngành Y tế Cao Bằng xác định, tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ tích cực chủ động trên tuyến đầu chống dịch. Đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tăng cường giám sát tích cực chủ động bệnh truyền nhiễm gây dịch tại các cơ sở y tế và cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mới nổi. Duy trì các đội đáp ứng nhanh, trực chống dịch 24/24h. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh. Đồng thời thực hiện đồng bộ có hiệu quả các dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số và các chương trình y tế khác. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID-19. Phát động các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao y đức, chuyên môn, nghiệp vụ gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, quản lý Ngành và các đơn vị, từng bước chuẩn hoá hệ thống thông tin y tế tuyến cơ sở một cách đồng bộ, đảm bảo số liệu có độ chính xác tin cậy cao. Từng bước phát triển các chuyên khoa sâu, đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong công tác khám chữa bệnh góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Tiếp tục triển khai thực hiện “Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” theo Quyết định số 3088 ngày 16/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Đẩy mạnh công tác thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã; Từng bước hoàn thiện và nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở tạo thành nền tảng sâu rộng và bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

 

Mai Hoa

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang