Bệnh Tả và cách phòng tránh
Bệnh Tả là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc đường ruột cấp tính ở người do phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae gây nên. Biểu hiện chủ yếu bằng nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng, có thể tử vong nếu không được xử trí kịp thời, bệnh được xếp vào loại bệnh “tối nguy hiểm”.
Bệnh thường xảy ra vào những tháng mùa hè (khí hậu nóng- ẩm, nhiều ruồi, nhặng, chuột..., thức ăn dễ ôi thiu), đặc biệt sau khi bị lũ lụt...
Bệnh lây theo đường tiêu hoá, cụ thể là đường phân-miệng thông qua nguồn nước, thực phẩm, rau quả... đặc biệt là một số hải sản như sò, ốc, hến được bắt từ những nơi ô nhiễm; Dụng cụ ăn uống hoặc thức ăn bị ô nhiễm bởi ruồi, nhặng, chuột, gián... làm lây lan mầm bệnh.
Các loại rau, hoa quả dùng để ăn sống được tưới, bón trực tiếp bằng nước cống hoặc phân tươi nhưng không xử lí sạch cũng có khả năng làm lây nhiễm phẩy khuẩn Tả rất cao.

1. Biểu hiện của bệnh:

1.1. Thời kỳ bệnh: Sớm nhất 12 - 24 giờ, dài nhất 10 ngày, trung bình 2-5 ngày.

1.2. Thời kỳ khởi phát (giai đoạn ỉa lỏng và nôn):

- Bệnh khởi phát đột ngột bằng ỉa lỏng dữ dội. Lúc đầu phân có thể ít, sệt sau nhanh chóng trở nên lỏng, toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo có lẫn những hạt trắng lổn nhổn, mùi tanh hoặc như gạch cua màu trắng nhạt. Đi ngoài nhiều lần (tới 30-40 lần hoặc hơn/ngày), số lượng tới 300-500ml/lần, làm cho tình trạng mất nước nặng và nhanh: 10-15 lít/ngày hoặc 1lít/giờ ở người lớn.
- Nôn xuất hiện sau khi đi lỏng vài giờ. Nôn dễ dàng, số lượng nhiều, dịch nôn lúc đầu là nước và thức ăn, sau giống như dịch phân.
- Không đau bụng hoặc chỉ đau nhẹ, không có mót rặn.
- Thường là không sốt, một số ít có sốt nhẹ (< 5%).
- Bệnh nhân mệt lả, khát nước, có dấu hiệu co rút cơ (chuột rút) nhanh chóng đi vào giai đoạn choáng.

1.3. Thời kỳ toàn phát (giai đoạn choáng hay giá lạnh):

- Thường xuất hiện sau vài giờ đến 1 ngày kể từ khi phát bệnh.
- Bệnh nhân vẫn tiếp tục nôn, ỉa lỏng hoặc đã giảm nhưng nổi bật là tình trạng choáng: người bệnh lờ đờ, mệt lả, nói thều thào đứt quãng hoặc không thành tiếng, hoa mắt, ù tai, thở nhanh nông, có khi khó thở. mặt hốc hác, mắt trũng sâu, má lõm, da khô - nhăn nheo và xanh tím, các đầu chi lạnh, rúm ró. Nhiệt độ < 35°C, mạnh nhanh nhỏ, khó bắt mạch quay. Huyết áp tụt (huyết áp tối đa < 80mmHg).
Ở giai đoạn này nếu không được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ chết vì choáng không hồi phục. Nếu được điều trị kịp thời bệnh nhân sẽ chuyển sang giai đoạn hồi phục.

1.4. Thời kỳ hồi phục (giai đoạn “phản ứng” của cơ thể):

- Bệnh nhân hồi phục nhanh sau vài giờ, có khi rất nhanh (30 phút).
- Ngừng nôn sau vài giờ da hồng trở lại, bớt khô, bệnh nhân đỡ lo lắng, mạch, nhiệt độ - huyết áp dần trở về bình thường. Đi lỏng bớt dần và ngừng sau 3-5 ngày. Bắt đầu đái được nhiều. Hồi phục hoàn toàn sau 5-7 ngày.

Khi có các biểu hiện của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời để ngăn chặn các biến chứng của bệnh. Người bệnh không tự ý dùng thuốc hay các biện pháp không có cơ sở khoa học để chữa bệnh vì có thể làm tình trạng bệnh nặng thêm hoặc không kiểm soát được.

2. Biến chứng của bệnh:

Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể xảy ra những biến chứng sau:

- Choáng, trụy tim mạch dẫn tới tử vong sau 4 – 12 giờ
- Suy thận cấp
- Hạ đường huyết (hay gặp ở trẻ em)
- Giảm K+ máu dẫn đến loạn nhịp tim, liệt ruột
- Viêm loét giác mạc, hoại tử đầu chi…

3. c biện pháp phòng bệnh:

Bệnh Tả được xếp vào loại bệnh “tối nguy hiểm”, bệnh có thể điều trị khỏi tuy nhiên việc điều trị bệnh tương đối phức tạp và khi xuất hiện bệnh có thể sẽ lây lan thành dịch trong cộng đồng. Chủ động phòng bệnh là biện pháp tối ưu và vô cùng cần thiết để không có ca bệnh. Người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng bệnh có hiệu quả:

3.1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
- Phân và chất thải của người bệnh phải được đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B… vào nhà tiêu để sát khuẩn.
- Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
- Hạn chế người ra vào vùng đang có dịch.

3.2. Chú ý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

- Mọi nhà, mọi người đều thực hiện ăn chín uống sôi.
- Không ăn rau sống, uống nước lã.
- Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…

3.3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch

- Nguồn nước uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Tất cả các nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất Cloramin B.
- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh, xác súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng gây ô nhiễm môi trường nước.

3.4. Khi có người bị tiêu chảy cấp

- Phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Hiện nay đã có vaccine phòng bệnh Tả tuy nhiên thời hạn duy trì miễn dịch sau khi tiêm vaccine này tương đối ngắn, chỉ có hiệu quả làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong vòng 3 đến 6 tháng. Bởi vậy, nên tiêm một liều củng cố cách 6 tháng một lần nếu vẫn tiếp tục có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây bệnh và mầm bệnh.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập