Vai trò của một số vi chất dinh dưỡng đối với sự phát triển của trẻ nhỏ
Vi chất dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển, tăng trưởng của trẻ. Nếu trẻ bị thiếu hụt những vi chất này thì sức đề kháng suy yếu làm trẻ dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, chậm phát triển.
Vi chất dinh dưỡng là gì?
Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng, phát triển trí tuệ, duy trì và nâng cao sức khoẻ, phòng chống bệnh tật, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vi chất dinh dưỡng bao gồm: nhóm Vitamin (A, B, C, D, E…); nhóm các nguyên tố khoáng (Canxi, Phốt pho, Sắt, Kẽm, Iốt, Selen…).
Một số vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ:
Vitamin A: đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tế bào và niêm mạc. Nếu thiếu Vitamin A lâu ngày dẫn tới suy giảm thị lực, khô mắt, khô giác mạc, làm hỏng giác mạc gây mù lòa vĩnh viễn. Ngoài ra, thiếu Vitamin A còn làm trẻ suy giảm hệ miễn dịch, chậm lớn, sừng hóa da...
Nhóm Vitamin B: Vitamin B1 là yếu tố cần thiết để chuyển hóa tinh bột và đường. Vitamin B2 có vai trò thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng của tế bào. Vitamin B6 tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, glucid, lipid. Thêm nữa, Vitamin B6, B9, B12 còn tham gia vào quá trình tạo máu nên thiếu các loại Vitamin này sẽ gây thiếu máu.
Vitamin D: giúp cơ thể hấp thu tốt Canxi và Phospho trong đường ruột, để hình thành và phát triển hệ xương, răng vững chắc cho trẻ. Nếu thiếu Vitamin D trẻ sẽ dễ bị còi xương.
Canxi: chiếm tới 98% trong hệ xương và răng của cơ thể nên rất cần thiết đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển chiều cao. Nếu trẻ được bổ sung không đủ Canxi hoặc Canxi không được hấp thu đủ vào cơ thể sẽ dẫn tới thấp còi, chậm lớn… Ngoài ra, Canxi còn giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch, ổn định hệ thần kinh… Do đó khi thiếu Canxi trẻ hay khóc đêm, đêm ngủ hay giật mình, bị chuột rút...
Kẽm: tham gia vào thành phần cấu tạo của hơn 300 Enzym trong cơ thể. Các Enzym này tham gia vào quá trình tổng hợp và phân giải Protein và Axit nucleic - là những thành phần không thể thiếu của sự sống. Không những thế, Kẽm còn giúp kích thích vị giác làm tăng cảm giác ngon miệng cho trẻ, tăng khả năng hấp thu, tăng cường đề kháng, giúp trẻ phát triển chiều cao và trí tuệ. Nếu thiếu Kẽm sẽ làm ảnh hưởng đến vị giác khiến trẻ ăn không ngon và dẫn đến chán ăn, suy giảm miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí tuệ và giảm tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Iốt: là vi chất dinh dưỡng quan trọng trong quá trình tổng hợp Hormon tuyến giáp để giúp cơ thể điều hòa thân nhiệt, phát triển hệ xương, đặc biệt là quá trình phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Trẻ bị thiếu Iốt trong thời gian dài sẽ dẫn tới bị đần độn, học kém, chậm lớn, bướu cổ, gây ảnh hưởng đến sự phát triển và hoạt động của trẻ.
Nguyên nhân gây thiếu vi chất dinh dưỡng
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ là do trẻ mắc các bệnh đường tiêu hóa khiến quá trình hấp thu vi chất dinh dưỡng bị ảnh hưởng hoặc những trẻ có hệ miễn dịch kém hay trẻ bị mắc bệnh khiến ăn uống không ngon miệng, gây chán ăn dẫn tới thiếu chất. Ngoài ra, tình trạng thiếu vi chất còn gặp ở những trẻ bị nhiễm ký sinh trùng (giun, sán). Bên cạnh đó, trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng còn do khẩu phần ăn kém đa dạng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị các vi chất dinh dưỡng.
Bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn
Để giải quyết được tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng trước hết cha mẹ cần phải hiểu đúng tầm quan trọng cũng như nhu cầu của vi chất dinh dưỡng đối với cơ thể trẻ. Đặc biệt chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ tới 24 tháng đầu đời. Cải thiện bữa ăn hàng ngày có sử dụng muối Iốt với đầy đủ 04 nhóm thực phẩm: Protein, Lipid, Glucid, Khoáng chất và các nhóm Vitamin.
Vitamin A: có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, gan, cá, trứng gà, sữa, bơ, kem, các loại rau củ quả có màu vàng, đỏ (cà chua, cà rốt, dưa hấu, đu đủ, gấc...), các loại rau màu thẫm (muống, dền, mùng tơi, ngót, các loại cải), dầu cọ và các loại dầu ăn khác.
Sắt: có trong các thực phẩm có nguồn gốc thực vật như: đậu cô ve, đậu nành, các loại rau có lá, bột ngũ cốc... và thực phẩm nguồn gốc động vật như: thịt bò, trứng, gan, ngao, sò, ốc, hến…
Những thực phẩm giàu Vitamin D gồm: dầu gan cá, bột ngũ cốc, sữa.
Nguồn thực phẩm giàu Canxi gồm: tôm, tép, cua, cá, rau dền, rau mùng tơi, rau ngót, sữa và các chế phẩm từ sữa...
Các nhóm thực phẩm giàu Kẽm như: thuỷ hải sản (hàu, sò, ngao, tôm cua), gan động vật, lòng đỏ trứng và thịt nạc, thực phẩm họ đậu. Với trẻ nhỏ, để có đủ Kẽm nên cho bú mẹ vì Kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sữa bò.
Nguồn Vitamin B: Vitamin B1 có nhiều trong các loại hạt họ đậu. Vitamin B2 có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật, sữa, các loại rau, đậu. Vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc. Vitamin B9 có trong các loại rau xanh, nấm, đậu, củ, quả, ngũ cốc, thịt và phủ tạng động vật (gan bò, gan gà), Vitamin B12 chủ yếu trong thịt và sản phẩm từ sữa.
Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ một cách chủ động và an toàn nhất là thông qua nguồn thực phẩm để bổ sung Vitamin và các khoáng chất trong từng bữa ăn. Tuy nhiên, việc chế biến, lưu trữ thực phẩm không đúng cách như: rau bị héo, trái cây không còn tươi, gạo được xay xát kỹ, thức ăn nấu quá lâu… làm mất đi lượng lớn Vitamin và Khoáng chất. Để cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng cho cơ thể trẻ, mẹ có thể lựa chọn các sản phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa các vi chất thiết yếu như: Kẽm, Canxi, Vitamin A, nhóm Vitamin B (2, 6, 9, 12), Vitamin D,… Không chỉ cung cấp các vi chất mà các sản phẩm này còn tăng cường chức năng tiêu hóa và sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ ăn ngon, tiêu hóa tốt, phát triển khỏe mạnh.
Theo khuyến cáo của Viện Dinh Dưỡng, để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần:
1. Cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
2. Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, nên chọn các thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.
3. Bữa ăn của trẻ cần các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu VitaminA, VitaminD.
4.Trẻ em trong độ tuổi uống VitaminA liều cao 2 lần/năm. Bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều VitaminA.
5. Trẻ từ 24-60 tháng tuổi cần uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.
6. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên Sắt/Axitfolic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
7. Trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các chế phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi.