Triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh - Thuận lợi và khó khăn
Đến nay, Cao Bằng đã có 227/234 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Hệ thống này cung cấp các công cụ giúp cơ sở y tế khai thác thông tin, tra cứu thẻ BHYT, lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh có BHYT và quản lý thông tuyến trên phạm vi toàn quốc.
Hệ thống thông tin giám định BHYT vận hành theo cơ chế dữ liệu khám chữa bệnh được chuẩn hóa, sau đó thông qua đường truyền về cổng tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh của BHXH. Khi bệnh nhân đi khám, chữa bệnh, tất cả dữ liệu về xét nghiệm, thuốc, chi phí điều trị… sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu tại cơ sở khám chữa bệnh, sau đó chuyển về cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam. Cơ quan BHXH các tỉnh, huyện đều có thể cập nhật, tiếp nhận dữ liệu, tiến hành giám định chi phí KCB BHYT, giúp các cơ sở khám chữa bệnh BHYT tiết kiệm nhân lực cũng như chi phí kiểm tra hành chính cho việc thanh toán và tổ chức khám chữa bệnh, tiết kiệm được chi phí trùng lặp, sai giá các dịch vụ kỹ thuật mà trước đây khi làm việc các giám định viên BHYT phải dò từng mục, từng dòng... Đối với người bệnh, thời gian chờ đợi được giảm thiểu rõ rệt, quy trình khám bệnh sẽ nhanh chóng, minh bạch, người bệnh được cung cấp những thông tin cụ thể khi đi khám bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong 227 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh đã thực hiện kết nối dữ liệu lên Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam từ ngày 01/7/2016 cùng với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, đến thời điểm hiện tại bệnh viện đã khám, điều trị cho hơn 17.800 lượt người có thẻ BHYT (bao gồm nội trú và ngoại trú) và chuyển dữ liệu lên Cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam để tiến hành giám định và thanh toán BHYT.
Theo bác sĩ Ngọc Kiên Chất - Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: đơn vị đã có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tốt được đưa vào sử dụng từ năm 2013, nhưng do kinh phí đầu tư, nâng cấp cho các hoạt động công nghệ thông tin còn hạn chế, dẫn đến các trang thiết bị máy móc chưa thực sự đáp ứng đầy đủ để phục vụ công tác chuyên môn, đơn vị đã có tổ phụ trách CNTT gồm 05 cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành nên phần nào tự khắc phục được một số sự cố xảy ra khi hệ thống gặp trục trặc về kỹ thuật. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện kết nối, liên thông, chuyển dữ liệu quản lý khám chữa bệnh lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam, cán bộ CNTT vẫn còn nhiều bỡ ngỡ.
Bên cạnh đó việc triển khai áp dụng Hệ thống thông tin giám định BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay vẫn còn 06 Trạm Y tế xã vùng sâu, vùng xa chưa có đường truyền Internet, Trạm Y tế xã Sơn Lập (Bảo Lạc) chưa có điện lưới quốc gia. Kinh phí đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các cơ sở khám chữa bệnh hàng năm ít, các máy tính trang bị tại các cơ sở không đồng bộ, cấu hình thấp, một số nhân viên y tế tuyến xã và tuyến huyện chưa có kỹ năng sử dụng máy vi tính, thiếu đội ngũ nhân lực về CNTT.
Để khắc phục những khó khăn đó, Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn VNPT Việt Nam ưu tiên, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT cho các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn chưa có cơ sở hạ tầng CNTT (đầu tư xây dựng mạng cáp quang đến trung tâm xã, xây dựng Trạm thu phát sóng thông tin di động 3G ngay gần Trạm Y tế), như vậy mới đảm bảo hoàn thành việc kết nối, liên thông dữ liệu cho tất các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đối với những cơ sở khám chữa bệnh hiện chưa có đường truyền Internet, chưa có điện lưới, đề nghị cho phép các Trạm Y tế 3 ngày chuyển dữ liệu 1 lần cho Trung tâm Y tế quản lý trực tiếp để Trung tâm chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam.
Sở Y tế và BHXH tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ để giúp các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai các ứng dụng của hệ thống thông tin giám định BHYT. Kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình vận hành Hệ thống thông tin giám định với BHXH Việt Nam và nhà cung cấp phần mềm để từng bước tháo gỡ. Hệ thống thông tin giám định BHYT đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là bước đột phá trong công tác quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT. Góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia BHYT và nâng cao hiệu quả quản lý quỹ BHYT.
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập