TỪ 01/6/2017 TĂNG GIÁ DỊCH VỤ Y TẾ TỪ 02 ĐẾN 8 LẦN
24/05/2017
Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế, Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước có hiệu lực thi hành và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp (gọi tắt là Thông tư 02/2017/TT-BYT) có hiệu lực từ ngày 01/6/2017. Theo đó, từ ngày 01/6/2017 trở đi người dân chưa có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh phải chi trả mức viện phí tăng từ 2 đến 8 lần so với mức chi trả như hiện nay. Cụ thể, nhóm chịu tác động nhiều nhất là nhóm: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng BV. Trong các nhóm dịch vụ này, nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị là nhóm có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 8 lần so với giá hiện tại đang áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Cụ thể, tiền khám bệnh: tăng gấp 8 lần ở Phòng khám Đa khoa khu vực, trạm y tế xã (từ 3.500 đồng lên 29.000 đồng; tăng gấp 4 lần ở bệnh viện hạng III (từ 7.000 đồng lên 31.000 đồng), tăng 3 lần ở bệnh viện hạng II (từ 11.000 đồng lên 35.000 đồng); giá ngày giường Nội khoa bệnh viện hạng III tăng từ 35.000 đồng lên 149.800đồng, giá ngày giường nội khoa Bệnh viện hạng II tăng từ 45.000 đồng lên 178.500 đồng.
Theo đó, các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho trên 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT, và một số dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá dịch vụ y tế, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều dịch vụ y tế có mức tăng 2-8 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%.
Mức tăng này là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng Bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày. Với trên 1.900 dịch vụ được điều chỉnh tăng giá trong Thông tư này, mặc dù mức điều chỉnh mức tăng chủ yếu ở khoảng 20- 30% (gấp 2-8 lần), một số ít có mức tăng gấp đôi so với mức giá hiện hành, nhưng số tiền tuyệt đối của nhiều dịch vụ lên tới hàng trăm nghìn; thậm chí, đến cả triệu đồng cho một lần chỉ định, do đơn giá dịch vụ kỹ thuật vốn đã có kết cấu chi phí tiền lương của nhân viên y tế. Cụ thể: Phẫu thuật Cắt ruột thừa được điều chỉnh từ giá 1.622.000 đồng lên 2.460.000 đồng; Phẫu thuật lấy thai lần đầu được điều chỉnh từ giá 1.482.000 đồng lên 2.223.000 đồng; Phẫu thuật cắt dạ dày được điều chỉnh từ giá 3.122.000 đồng lên 6.890.000 đồng; Phẫu thuật Nội soi khâu lỗ thủng dạ dày được điều chỉnh từ giá 2.150.000 đồng lên 4.037.000 đồng…
Khi Thông tư 02 của Bộ Y tế được áp dụng, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT đã được quỹ BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng. Còn bệnh nhân khám dịch vụ hoặc chưa có thẻ BHYT sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Khoản tiền người khám chữa bệnh không có BHYT phải trả thêm so với mức giá hiện hành sẽ là con số không nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thì mức chi 100% từ tiền túi rất lớn.
Với những thay đổi như vậy, người dân gặp rủi ro đi KCB khi chưa tham gia BHYT sẽ gặp rất nhiều thiệt hại, gây gánh nặng lớn và tốn kém về kinh tế và có nguy cơ mất khả năng chi trả nếu phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; đối với người dân có mức sống trung bình sẽ có nguy cơ không đủ khả năng chi trả các dịch vụ khi quy định tối đa khung giá dịch vụ theo Thông tư số 02 của Bộ Y tế.
Với tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến tháng 4/2017 đạt trên 95%, trong đó tham gia BHYT theo HGĐ là trên 16 nghìn người; theo đó khoảng 5% còn lại chưa tham gia BHYT với trên 15 nghìn người, trong đó chủ yếu là các đối tượng tại 35 xã không thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 ban hành danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, đặc biệt là khu vực Thành phố Cao Bằng. Do đó, khi áp dụng Thông tư số 02 sẽ có khoảng trên 15 nghìn người gặp nhiều rủi ro gây gánh nặng lớn, tốn kém về kinh tế và có nguy cơ mất khả năng chi trả nếu phải sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn dẫn đến gánh nặng nghèo hóa đối với xã hội.
Chính vì vậy, người dân nên khẩn trương tham gia BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi, hạn chế tối đa rủi ro và tránh bị ảnh hưởng lớn tới chi phí khi chẳng may ốm đau.